(Blogthanhhoang.com) Mảng bán lẻ điện thoại di động đang đứng trước nhiều thách thức.
Mảng bán lẻ điện thoại di động đang đứng trước nhiều thách thức. Các ông lớn như Thế giới di động, FPT shop hay Viễn thông A đang phải tìm cách thức mới để tồn tại.
Thông tin tập đoàn hàng đầu Việt Nam gần hoàn tất mua Viễn thông A được giới bán lẻ di động quan tâm dù chưa xác nhận chính thức từ hai bên. Đi trước cả Thế giới di động và FPT Shop, Viễn Thông A có thể xem là tên tuổi có bề dày kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực bán lẻ di động.
Số liệu gần đây cho thấy Viễn thông A có 200 cửa hàng trên khắp Việt Nam với 100 trung tâm bảo hành khác nhau. Sự cạnh tranh gắt gao từ những đối thủ cùng ngành đang buộc Viễn thông A phải tính toán những bước đi tiếp theo.
Tháng 8/2017, Công ty cổ phần FPT đã chuyển nhượng 30% vốn tại FPT Retail (tương đương 6 triệu cổ phiếu) cho Dragon Capital và VinaCapital, qua đó không còn là công ty mẹ của nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam. Cuối năm 2017, bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn thông A, cho biết, trong xu thế chung phải mở rộng kinh doanh, hệ thống này sẵn lòng tiếp đón các nhà đầu tư quan tâm đến việc góp vốn vào công ty. Bà Vy nói nhà đầu tư phải đáp ứng được các yêu cầu từ chuỗi này, và vẫn giữ lại tên thương hiệu Viễn thông A.
Từ đại hội đồng cổ đông 2015 của FPT, tập đoàn đã công bố kế hoạch thoái vốn khỏi hai mảng kinh doanh này trong năm 2016. Thực tế thì FPT cũng đã ký hợp đồng tư vấn với Nomura của Nhật Bản và Công ty chứng khoán Bản Việt để lập ra kế hoạch thoái vốn này.
FPT Retail đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán lẻ sản phẩm công nghệ) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple) với hơn 450 cửa hàng trên cả nước. Con số cửa hàng đã tăng trên 7 lần trong giai đoạn 2012-2017 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Năm ngoái, FPT Retail ghi nhận 13.147 tỷ đồng doanh thu thuần. Ước tính mỗi ngày, doanh nghiệp sở hữu hệ thống bán lẻ điện thoại FPT Shop thu hơn 36 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ so với bình quân năm trước. Tổng nguồn vốn tính đến cuối năm đạt 3.875 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ do công ty tất toán nhiều khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Từng công bố chiếm 50% thị phần bán lẻ smartphone ở quy mô chuỗi, Thế giới Di động là một trong những ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại. Tuy nhiên, doanh thu chuỗi điện thoại này vẫn đang tiếp tục đi xuống trong năm 2018, sau một năm 2017 đi ngang.
Trong tháng 5/2018, Thế giới Di động đã đóng 4 cửa hàng, còn tính từ đầu năm 2018 đã đóng 11 cửa hàng. Suốt những năm vừa qua, số cửa hàng chỉ tăng lên chứ chưa bao giờ giảm xuống, thậm chí có những tháng mỗi ngày mở tới 2 cửa hàng.
Nhà bán lẻ điện thoại này cũng đang tính thay đổi mô hình, không còn chỉ bán điện thoại. Chỉ tính trong tháng 6, Thế giới Di động đã chuyển đổi 3 cửa hàng sang Điện Máy Xanh mini. Từ khi có định hướng chuyển đổi mô hình này, đã có trên 80 cửa hàng Thế giới Di động được chuyển đổi sang Điện Máy Xanh.
Các chuyên gia nhận định, thị trường di động trong nước đã có những dấu hiệu cho thấy sự bão hòa, sức tăng trưởng chủ yếu nhờ nhu cầu đổi sang điện thoại đời mới. Ban lãnh đạo FPT Retail cho biết, tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh thị trường điện thoại có dấu hiệu bão hòa được xem là thách thức không nhỏ.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Thế giới Di động gần như là 0%. Chuỗi này có hơn 1.000 cửa hàng nằm tại hầu hết những vị trí giao thông đông đúc ở các thành phố cấp 1 và cấp 2. Tuy nhiên, công ty đã ngừng mở mới kể từ cuối tháng 12 năm ngoái do rủi ro chồng chéo giữa các cửa hàng hiện hữu.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng tạo áp lực lớn cho các nhà bán lẻ điện thoại di động. Lazada, Tiki, Shopee đều có những ký kết riêng với các hãng điện thoại di động để có những chương trình bán hàng đặc biệt rẻ hơn.
Không còn cách nào khác, các ông lớn bán lẻ điện thoại di động buộc phải thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh để tồn tại. Cuối năm ngoái, FPT Retail đã mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu và đang tái cơ cấu lại hệ thống này để gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm.
Tương tự, Thế giới Di động đã chính thức mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang để lấn sân sang ngành dược phẩm. Thương hiệu này cũng đã mở rộng hoạt động sang Campuchia.
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận